Cùng với sự phát triển và hòa nhập với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới những năm qua, Tết cổ truyền của dân tộc VN không còn quá nặng nề về việc “kiêng kị” như: không được quét nhà 3 ngày Tết hay không được hót rác trong ba ngày này; Mùng một đầu năm phải kén người hợp tuổi xông nhà, xông nhà xong các thành viên đi đâu mới được đi… Nhưng việc cúng Ông Công- Ông Táo, cúng nhà đầu năm, hóa vàng… vẫn được nhân dân ta thực hiện đều đặn. Chúng ta Reviewsmoi cùng tìm hiểu về các tục lệ còn được duy trì này:
1. Cúng ông Công, ông Táo và câu chuyện tình cảm động
Cúng ông Công- Ông Táo được thực hiện từ trước Tết Nguyên Đán 1 tuần, tức vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hay còn gọi là 23 tháng Chạp. Với quan niệm cho rằng Ông Công- Ông Táo được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống theo dõi và ghi chép các việc thiện ác của mỗi con người, mỗi gia đình và thường quan tâm tới khu vực bếp núc của mỗi nhà và vào ngày 23 tháng 12 sẽ lên chầu Trời và báo cáo lại mọi việc suốt cả năm để Thiên Đình định công- thưởng phạt. Do đó, mỗi nhà dân VN đều làm lễ Tiễn Ông Công- Ông Táo rất long trọng.
Trong buổi lễ, người dân thường mua cá chép về đặt trong chậu, sau khi làm lễ chính xong sẽ mang cá đi thả ở các ao hồ rộng, sạch vì cho rằng ông Công- ông Táo sẽ cưỡi cá chép về chầu Trời.
Câu chuyện ông Công- ông Táo theo dân gian truyền lại là câu chuyện tình nghĩa, thương tâm, xúc động giữa ba người: một người phụ nữ tên Thị Nhi với hai người chồng là: Cao Trọng và Phạm Lang. Thị Nhi và Cao Trọng lấy nhau, tình yêu mặn nồng nhưng không có con, Cao Trọng lâu dần trở nên cộc tính, có lần cãi vã, xô xát đã đánh đuổi Thị Nhi. Thị Nhi phải ra đi, đã gặp được Phạm Lang hết mực thương yêu, hai người chung sống hạnh phúc. Cao Trọng hối hận, thương nhớ vợ, bỏ nhà đi tìm. Đi mãi mà không thấy, hết lương thực dự trữ, phải đi ăn xin lại vào nhằm đúng nhà Thị Nhi- Phạm Lang. Nhận ra chồng cũ, Thị Nhi lẳng lặng cơm nước chu toàn mà Cao Trọng không nhận ra. Đột nhiên Phạm Lang đi làm trở về, Thị Nhi dấu chồng cũ vào đống rơm. Chẳng may đêm đó Phạm Lang không biết, đã đốt đống rơm lấy tro bón ruộng, làm Cao Trọng bị thiêu sống khi đang say ngủ. Thị Nhi thương quá nhảy vào đống lửa cứu và bị thiêu chung. Phạm Lang thương xót vợ cũng nhảy vào. Cả ba bị thiêu chết. Trời cảm động, đón họ lên cõi Trời và cho xuống trần gian cai quản chuyện may rủi của nhân gian.
2 Dâng cúng Trời- Đất, Tiên tổ bánh chưng
Tương truyền, từ thời Hùng Vương thứ 6, với câu chuyện Bánh Trưng- Bánh Dày: sau khi thắng giặc Ân, nhà vua truyền xuống cho trăm họ dâng lễ vật mừng công. Chàng hoàng tử thứ 18, tên là Lang Liêu đã được các vị thần mách bảo, lấy gạo nếp làm bánh trưng- bánh giầy dâng lên vua cha. Nhà vua đẹp lòng, từ đó phán truyền, cứ năm hết Tết đến sẽ chọn bánh Trưng: hình vuông, đại diện cho Đất, bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho Trời để làm bánh cúng tổ tiên.
Hầu hết nhân dân vùng đồng bằng bắc bộ đều chọn bánh Trưng để làm bánh dâng cúng Trời- Đất, Tổ Tiên vào ngày Tết. Tập tục đó qua bốn ngàn năm vẫn được giữ tới bây giờ dù không phải nhà nhà gói bánh, luộc bánh như nhiều năm về trước.
Nếu ngày xưa, chỉ chờ tới Tết mới được ăn hai loại bánh này thì giờ đây ngày nào bà con cũng được thưởng thức bánh trưng- bánh giày bởi nó trở thành món hàng quà vặt nhiều người ưa.
3 Chơi hoa Tết
Thú chơi cây kiểng, thưởng hoa Tết được các bậc cha chú yêu thích từ xa xưa. Thường thi hoa Đào (miền bắc)- hoa Mai (miền Nam). Nhưng nhiều năm trở về đây nhân dân miền bắc còn chơi cả cây quất cảnh. Có nhiều loại hoa được ưa dùng tùy vào năm, như trước đây có hoa trà, hoa thủy tiên; mấy năm qua có hoa đỗ quyên, hoa lan; hai ba năm nay thì thị trường hoa phong phú đủ loại, cả nhập khẩu.
Không chỉ theo phong tục cũ: “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với mục đích mua vôi để về trang trí lại căn phòng cho sáng đẹp mà ngày nay bà con còn mua các loại hoa đẹp về trưng trong dịp Tết để thêm vui mắt, may mắn.
4 Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả với năm thứ quả tượng trương cho con số sinh được đặt trên bàn thờ tổ tiên là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, phúc lộc dồi dào.
Mâm ngũ quả thường có: hai ba nải chuối to màu xanh đặt dưới, quả bưởi tròn, đẹp màu vàng đặt giữa, xung quanh bày quả trứng gà, quả quýt và một loại quả nữa như táo, có khi là quả ớt ngọt cho thêm màu sắc và trang trí thêm duyên. Cũng có khi là tùy vào điều kiện để mỗi nhà bày một mâm ngũ quả khác nhau.
5 Lau dọn nhà cửa
Các gia đình ở Việt Nam đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ vật sạch sẽ trong những ngày cuối năm với ý nghĩa sắp xếp lại những điều chưa ổn thoải, xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn.
Ngày xưa, việc dọn nhà rất mệt nhọc và quan trọng, ngày nay thì không nhất thiết vì ngày nào nhà nào cũng đã dọn dẹp rồi nhưng thú trang trí lại hoặc mua thêm đồ mới để trưng thì vẫn duy trì.
6 Thăm mộ tổ tiên
Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất. Thường thì những gia đình có điều kiện sẽ xây dựng hoặc làm đẹp khu mộ của ông bà ông vải, tiên tổ vào những ngày mùa đông, trước khi đón Tết.
7 Cúng tất niên
Lễ chiều 30 Tết là một buổi lễ quan trọng để con cháu khắp nơi về thăm nhà tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Buổi lễ này trước tiên là cúng Trời- Đất, thần linh, dâng hương mời Tiên tổ về ăn Tết cùng con cháu, sau là gia đình được thừa lộc.
8 Đón giao thừa
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa thường được tổ chức ngoài trời nhưng không phải gia đình nào cũng thực hiện được và tùy vào từng khu vực mà người dân có thói quen làm Lễ Giao Thừa hay không.
9 Hái lộc
Hái Lộc Đầu Xuân là nét đẹp tô điểm cho Tết, không phải là lễ chính, quan trọng. Ví như ngày xưa, khi các cụ ra chùa, ra đình, ra đền làm lễ Phật, Lễ Trời hay các vị Thần sẽ có một khu vực được chuẩn bị để nhân dân hái lộc lấy may. Việc hái lộc thường diễn ra trong buổi xuất hành đầu năm, sau khi lễ xong để cầu tài lộc và may mắn.
Nhiều năm qua nhân dân ta hưởng ứng việc hái lộc như một phong trào tự phát thành ra bao nhiêu cây cối trên phố đều trơ cả trụi vì bị vặt hết lá cành sau ngày mùng một đầu năm. Điều này cần được chỉnh lại để người dân hiểu đúng và thực hiện như một nếp văn hóa lành mạnh thay vì thói quen xấu ảnh hưởng tới môi trường.
10 Xông đất
Xông đất đầu năm lấy hên là một phong tục rất quan trọng của người dân VN trước kia, nhưng nhiều năm về đây phong tục này không còn duy trì nhưng vẫn hay được người dân để ý. Phong tục này có ý nghĩa: gia chủ sẽ làm ăn may mắn khi gặp được người có phúc đức, may mắn, làm ăn phát tài và có tuổi hợp với tuổi chủ nhà tới nhà đầu tiên vào thời khắc năm mới. Những người xông nhà là người thân tín, được chủ nhà chọn và mời riêng, như bây giờ chúng ta nôm na quen gọi là: “đặt” trước.
11 Chúc tết và mừng tuổi
Có một phong tục đẹp và rất ý nghĩa, ấm áp mà những người dân VN luôn dành cho nhau khi Tết đến xuân về, đó là tới nhà nhau chơi, thăm hỏi, chúc tụng. Nhân dân ta có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Nhưng thường từ mùng một, sau khi cúng nhà, bà con rậm rịch sang nhà nhau chơi, chúc tết; con cháu ở xa về rủ nhau thành từng đoàn đi thăm hỏi, chúc tết từ nhà nọ sang nhà kia: khi thì uống nước ăn bánh kẹo, khi thì uống rượu ăn cỗ… cứ như thế kéo dài hết 3 ngày Tết. Đi tới đâu thì mừng tuổi tới đó, dù ít dù nhiều gọi là lấy hên.
12 Xuất hành
Giao thừa, mồng một Tết Nguyên Đán, người Việt thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp phù hợp với tuổi để xuất hành với hy vọng gặp may mắn, thuận lợi và tài lộc cho việc xuất hành, làm ăn cả năm.
13 Đi lễ chùa đầu năm
Đây là phong tục đẹp còn giữ lại nguyên vẹn tới bây giờ của người dân VN khi mỗi Tết đến- Xuân về bà con lại nô nức đi lễ gần xa. Đi Lễ Trời- Phật, lễ các chư vị Thần Tiên vừa là nét đẹp trong văn hóa tâm linh, vừa là dịp để bà con nhân dân đi du ngoạn, thăm thú cảnh đẹp đất nước sau cả năm vất vả, miệt mài với công việc vừa là để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình khi năm mới về.